| Người Việt nào lớn lên trên đất Việt Nam chắc đều có một tuổi thơ gắn liền với hương bánh nướng, bánh dẻo, của những đêm chờ trăng lên phá cỗ vào ngày rằm tháng 8. Hồi nhỏ, ban đầu thích bánh nướng, bánh dẻo vì những chiếc bánh chay được làm hình thù đáng yêu quá. Nào là lợn con, nào là cá, nào là thỏ…Cứ đòi bố mẹ mua cho bằng được, mà mang về nghịch, để ngắm nghía chứ có dám ăn đâu. Để đến khi giữ em heo, em cá lâu quá, đến nỗi hết hạn và bốc mùi phải vứt đi thì tiếc rẻ ghê gớm. Ăn bánh Trung thu mỗi năm cũng phải mấy bận. Trước Trung thu 1 tháng, vào ngày Rằm tháng 7 thì hầu như nhà nào cũng đã có những hộp bánh to tròn trong nhà rồi. Bánh nướng, bánh dẻo được đặt trang trọng trên bàn thờ tổ tiên, khói hương nghi ngút. Rồi sau ngày xá tội vong nhân, mỗi nhà thường phải ăn mấy bận bánh nữa mới thoả cơn khát thèm bánh của lũ trẻ con trong nhà. Cách thưởng thức bánh của đứa trẻ con như tôi đây cũng rất khác lạ nhé. Ban đầu, tôi thích sờ vào vỏ bánh. Chiếc bánh dẻo thì mềm, mịn, trắng muốt, dinh dính, rất thích tay. Trong khi chiếc bánh nướng cứng nhưng vỏ bánh mỡ màng, trơn bóng, cộng với màu vàng nâu mật ong hấp dẫn vô cùng. Sau đó thì tôi thích hít hà cái mùi thơm rất riêng của nó. Bánh dẻo có mùi thơm đến từ thiên nhiên của bột gạo mới, của thứ nước thơm đặc biệt do những người làm bánh tưới lên mà tôi cũng không biết là gì nữa. Trong khi bánh nướng lại có mùi thơm ngậy, vị nồng nồng của bột cháy. Tôi rất thắc mắc là tại sao người ta lại thường chấm một ít phẩm đỏ vào giữa chiếc bánh trung thu nhỉ? Nhưng dù với mục đích gì thì nó bỗng biến thành một nét riêng của bánh Việt Nam mà các nước khác không có được nhé! Tôi là một con bé tham lam và hơi ham ăn nữa, vì thế, tôi muốn ăn đủ các loại nhân bánh cơ. Bánh thập cẩm bùi bùi hoà quyện của lạp xưởng, hạt sen, vừng, mứt bí, lạc; bánh nhân đậu xanh béo béo, ngòn ngọt và nhuyễn,; bánh nhân trứng muối thơm nức mũi…Hay đơn giản là ăn bánh chay thôi cũng quyến rũ lắm rồi. Càng ngày càng có thêm nhiều loại nhân bánh Trung thu: nhân jăm-bông, khoai môn, hoa quả, các loại hương thuốc bắc và cả thạch rau câu xuất sứ từ nước ngoài nữa, nhưng tôi vẫn thích ăn những kiểu bánh truyền thống nhất. Có lẽ bởi vì tôi khá là cổ hủ chăng? Nhưng chỉ khi ăn bánh nhân thập cẩm, đậu xanh, trứng muối…, tôi mới cảm nhận hết mùi vị dân tộc trong đó. Sau lớn lên rồi tôi mới cảm nhận được hết mùi hương bánh nướng, bánh dẻo. Mỗi một thứ bánh với mỗi loại nhân lại mang một hương vị khác nhau, và thường thì chẳng lẫn đi đâu được. Bánh Việt Nam cũng khác với bánh ở Trung Quốc hay Nhật Bản vì nguyên liệu khác nhau, cách làm khác nhau và ẩm thực cũng khác nhau. Mặc dù đã được may mắn thưởng thức cả, nhưng không đâu sánh bằng bánh Trung thu nước mình. Bây giờ thấy nhiều bạn không còn mặn mà với bánh nướng, bánh dẻo nữa, vì “ăn quá ngọt”, “vì sợ béo” và vì có những món ăn nước ngoài ngon và hấp dẫn hơn nhiều; hay người lớn đã vô tình biễn những chiếc bánh dân tộc giản dị thành những thức ăn cao sang để quà cáp, biếu xén…thấy sao mà xót xa. Mấy ai trong số họ cảm nhận được hết cả một nét đẹp văn hoá trong đó. Trong khi, chú tôi là Việt Kiều ở xa, cứ mỗi dịp Trung Thu lại gọi điện về thăm nhà than thở: “Trời ơi, nhớ Trung thu bên mình quá. Nhớ hương bánh nướng, bánh dẻo. Bên này cũng có đấy, nhưng mùi vị chẳng được như bên mình. Nhớ quá!...” Nhìn ông tôi vừa thưởng bánh, vừa nhâm nhi cốc trà mạn mà thấy sao nhớ những trung thu thơ ấu, những lần mẹ đi chợ về với món quà là những chiếc bánh nướng, bánh dẻo thơm ngậy. Trung thu năm nay, nhất định tôi sẽ vào bếp và tự tay mình làm món bánh nướng, dẻo cho cả nhà thưởng thức. Một giá trị tinh thần như thế rất đáng phải được nâng niu đúng không nào? | |