| Lam Anh vẫn say mê với những đường cọ mặc cho thằng tôi ngán ngẩm ngồi kế bên.
Nếu ai đó hỏi “Bạn đang vẽ gì thế?”, Lam Anh sẽ lắc đầu nói “Tớ không vẽ, có chỉ đang chơi màu”. Mà đúng vậy thật, những bức tranh của Lam Anh không có hình thù mà chỉ là những mảng màu chắp vá nhau. Cô bạn không qua trường lớp nào cả, chỉ vì yêu thích màu nước và thích vung đường cọ một cách ngẫu hứng mà thôi. Nhưng mỗi lần đặt tay lên cọ, rồi pha màu là trên nét mặt lại hiện lên vẻ say mê, và mỗi lần như thế thằng tôi lại bị cho ra rìa.
Lam Anh đang ngồi trên đồi cỏ, trên nền giấy là khối màu ngọc bích; trước mặt cô là con lạch nhỏ, trên bức vẽ là đường vạch xanh biếc chạy dài quấn quanh khối ngọc bích kia. Và bầu trời, vẫn như thường lệ là màu đen buồn bã.
Liếc đồng hồ, đã 12h15ph tôi giục: Nhanh lên, sắp trễ giờ học rồi.
Lam Anh vẫn không rời mắt khỏi bức vẽ: Hôm nay tớ bùm.
- Về tớ đón nha.
Rồi tôi xách ba lô lên, bước đi. Loáng thoáng sau lưng là tiếng “ừ hử” của Lam Anh.
Một cơn gió thốc qua kèm theo cái gay gắt của đầu hè. Sắp thi tốt nghiệp rồi, bài vở như những gánh nằng đè oằn cả vai. Tôi quay lại, dáng hình nhỏ nhắn của Lam Anh bị bao bọc trọn vẹn trong vạc nắng trưa vàng rộm.
-----------------------------
Lam Anh là một cô bạn lạ lùng với một hoàn cảnh khá lạ lùng. Mẹ cô là người Hà Nội yêu một thầy giáo Sài Gòn, trong dịp người ấy ra Hà Nội du lịch. Một lần tình cờ gặp nhau ở Hồ Gươm bà đã nguyện đi theo người ấy vào Nam sinh sống mặc cho gia đình cấm cản. Bà mang vẻ đẹp sắc sảo của con gái Hà thành. Từ bé đã được sống trong sung sướng. Làn da trắng muốt đặc trưng của xứ lạnh, nên nắng và bụi và cuộc sống bon chen khắc nghiệt ở cái đất Sài Gòn dễ dàng đánh gục người như bà.
Lương giáo viên một trường công lập không bao nhiêu chỉ đủ tạo nên một gia đình đủ ăn đủ mặc chứ không khá giả, không thể sống thoái mái như thời con gái được, người phụ nữ ấy trở nên bức bối. Lam Anh tròn 1 tuổi đã chứng kiến cảnh ba lên đường sang Hàn Quốc xuất khẩu lao động, mẹ ở nhà chăm cô, và nhận tiền ba gửi về. Bà mở một tiệm tạp hóa nhỏ. Lam Anh lớn lên với một cuộc sống khá dễ thở, tiền hàng tháng từ Hàn Quốc vẫn gửi về đều đặn. Tuyệt nhiên không có một tin tức nào khác từ ba. Tất cả về ba như một mảng màu đen tăm tối. Người ta kháo nhau, ba của Lam Anh có vợ bé bên đó rồi nên mới không liên lạc với gia đình. Mỗi khi nghe những lời ấy, Lam Anh lại tức điên lên, la hét như đứa trẻ bị giành mất món đồ chơi yêu thích nhất. “Rồi ba sẽ về thôi, chắc chắn là thế”, Lam Anh nói thế khi nhìn nước mắt mẹ lăn dài.
---------------------
Lam Anh học rất siêu tự nhiên, toán-lý-hóa đều đứng đầu lớp. Còn môn xã hội thì phải vất vả lắm mới vượt qua. Dù mẹ cô là một cây bút vẫn thường xuyên có truyện đăng trên báo. Mỗi khi tôi trêu Lam Anh lại chun mũi: “Tớ có gen của ba mà” .
Ngày đầu tôi gặp Lam Anh là một buổi chiều đầu tiên khi vào lớp 10. Tan học, đang thông dong đạp xe về, vừa lướt qua một con hẻm nhỏ tôi đã thấy có gì đó không ổn. Thắng két xe, tôi ngó vào. Ba tên con trai đang dồn một con nhỏ vào góc tường, nhìn vẻ mặt sợ hãy ấy lòng tôi chộn rộn giữa hai ý nghĩa: “Bọn ấy 3 đứa, trong khi mình chỉ có một mà không biết kêu ai giúp nữa đây?”, “ Bỏ đi thì đúng là một thằng còn trai không ra gì?”. Và mấy chữ “thằng con trai không ra gì” làm tôi dẹp qua cái rùng mình mà cho xe vào hẻm.
- Mấy người làm gì vậy?
- Xéo mày. Muốn ăn đòn hả? - đứa to con nhất dứ dứ nắm đấm về phía tôi.
Hít một hơi dài tôi nói cứng:
- Bỏ bạn ấy ra.
- A ha thằng này láo.
Ba thằng con trai tiến lại gần tôi từ từ, cứ như thế biết chắc rằng tôi sẽ bỏ chạy nên chẳng việc gì phải gấp gáp. Nhưng tôi vẫn đứng đó, nét mặt lạnh băng, tay khư khư nắm chặt ba lô thủ thế.
Bịch. Cái ba lô bị đứa to con nhất giật phăng rồi ném xuống đất. Cổ áo tôi bị xiết mạnh. Nắm đấm đã ơ trước mặt tự lúc nào.
- Để ông cho mày một bài học cho chừa tật nhiều chuyện nhé.
- Thằng kia bỏ ra.
Tiếng hét thất thanh làm đứa to con giật mình, tôi cũng bàng hoàng. Cô gái lúc nãy đã không con cái vẻ yếu ớt nữa, đôi giày thể thao đã được cởi ra tự lúc nào và đang quất túi bụi vào 3 tên con trai còn đang ngỡ ngàng. Vừa đánh cô bạn vừa hét, tiếng hét chói tai đến nỗi chưa đầy năm giây thì người ta kéo đến xem sự tình. Mấy bác xe ôm lôi ba thằng con trai ra, còn cô bạn tiếp tục vừa hét vừa kể lể. Bọn kia hoảng vía ù chạy, mọi người cười, cô gái cười, còn tôi thấy mình như một thằng ngốc.
- Thôi mà, tớ xin lỗi.
- Cậu có lỗi gì chứ.
- Tớ chỉ muốn xem bọn kia có gan tới đâu thôi.
- Cậu hâm à.
- Tớ biết cách bảo vệ bản thân mình cậu à. Nhỏ mà có “võ” lắm đó nha.
- Võ la hét với võ quất giầy chứ gì.
Cô bạn bật cười. Tôi cũng cười. Tiếng cười trong trẻo rộn của một góc khu đồi xanh mượt.
-----------------------
- Cậu đang ở đâu đấy. Tớ giải xong bài hàm số rồi nè. Chiều đi vẽ về ghé tớ nhé.
- Đang ở chùa. Bỏ vẽ một ngày.
Tôi giật mình, hôm nay cô bạn lại giở trò gì nữa đây.
- Chùa nào?.
Không đợi Lam Anh nói tròn câu tôi đã tắt máy và phóng xe như bay đến chỗ cô bạn đang ngồi. Đó là một ngôi chùa nhỏ nằm ở ngoại ô thành phố. Ngày bình thường lại là buổi trưa nên chùa vằng vẻ. Trong khuôn viên nhỏ, cô bạn của tôi đang ngồi dựa vào một góc cây.
Nhìn đôi mày nhăn tít với cái miệng méo xẹo tôi cười ha hả.
- Cậu hâm à?
- Nhìn cậu giống bị thất tình quá đi.
- Thì đúng là vậy mà.
Tôi trợn mắt. Lam Anh càng nhăn trán tợn.
- Môn văn nó phụ tớ quá. Tớ cố gắng chung tình thì nó càng bạc bẽo với tớ.
May mắn cho tôi la lức ấy đang nồi dựa vào ghế, nếu không chắc đã lăn cù ra đất vì cười nghiêng ngã rồi. Lam Anh nói như thét:
- Sao cậu dám cười trên nỗi đau của tớ.
Quẹt mất giọt nước thấm trên mắt, tôi gằn giọng để nén cơn buồn cười.
- Bao nhiêu điểm?
- 3 điểm.
- Trời đất. Kiểm tra 1 tiết mà có 3 điểm. Mà cậu chỉ việc học thuộc bài cô cho ghi ở lớp thì cũng đủ trên trung binh rồi.
- Thì tớ học không thuộc được.
- Vậy mai tớ dẫn câu đi mua mấy quyển sách làm văn. Ráng mà học cho thuộc.
- Liệu có hiệu quả không?
- Tin tớ đi, đủ cho cậu tốt nghiệp mà.
- Ừ, thì tớ cũng chỉ cần có vậy.
Lam Anh dựa người vào thân cây sù xì. Tay mân mê lọn tóc bướng bỉnh cứ bung ra vươn mình theo sự mơn trớn của cơn gió nhè nhẹ.
- Mà cậu lên đây làm gì thế?. Tôi thắc mắc.
- Người ta bảo muốn làm văn hay thì phải lãng mạn. Tâm phải tĩnh. Mà để có thể tĩnh tâm mà bay bỗng thì tớ nghĩ lên chùa ngồi là cách hay nhất. Nên mới đến đây, để được viết văn giỏi.
Lần này thì tôi té lăn quay ra đất và không còn kiềm nén cơn cười lộn ruột. Cô bạn trợn mắt rồi hét vang một góc chùa.
- Tớ sẽ giết cậu...
- Ấy ấy, tịnh tâm, tịnh tâm.
------------------------------
Còn một tháng nữa thôi chúng tôi phải chiến đấu với kì thi tốt nghiệp. Lam Anh muốn tập trung học cho tốt, nhất là môn văn nên quyết định không lên đồi vẽ nữa và chúng tôi cũng thôi không đạp xe loanh hoanh cùng nhau. Bài vở chồng chất làm thằng tôi đôi khi cũng quên mất những gì xung quanh mình, mặc cho những điều không nói trước lẵng lặng trôi đến.
Nhận bằng tốt nghiệp xong tôi hối hả chạy đi tìm Lam Anh. Không thấy cô đâu cả, ngọn đòi quen thuộc chỉ có những cơn gió buồn bã làm xôn xao đám cỏ héo úa vì nắng.
Tôi đến nhà Lam Anh. Mẹ cô ngồi thừ. Bà đưa tôi lá thư cô để lại.
“Tớ đi nhé. Tớ sang Hàn du học đây, học bổng 100% chuyên ngành toán nhá. Tớ sẽ tìm bố…Thanh nè, nghe nói trời Hàn Quốc mùa này xanh lắm. Nên bầu trời của tớ sẽ là màu xanh chứ không phải màu đen nữa đâu. Nhưng dù cho nơi ấy màu xanh đẹp thế nào thì tớ vẫn yêu màu xanh nơi quê nhà. Tớ nhất định sẽ về, vì màu xanh ấy”.
Tôi ngước lên trời, trời trong quá. | |