| Trong khi hầu hết mọi người học hành vất vả chỉ mong kiếm điểm 9, điểm 10 thì vẫn còn một số bạn...không muốn cao điểm.
Đôi khi họ cố tình làm bài sai để bị trừ điểm! Tại sao lại có hiện tượng này? Sẽ khá bất ngờ nếu bạn biết bên cạnh những người phấn đấu vì những điểm số ngất ngưởng, luôn có một vài người chỉ mong "đủ xài" để không quá "nổi bật". Họ sợ điều gì đằng sau?
Không muốn bị thầy cô chú ý...
Thực tế cho thấy, nếu một học sinh giỏi bị điểm thấp, trong mắt mọi người, đó là chuyện bình thường (có thể do sơ suất, tâm lý áp lực, học tập căng thẳng...). Nhưng khi một học sinh bình thường bỗng đạt điểm cao, đó là một hiện tượng. Mọi ánh mắt sẽ đổ dồn về "nhân vật chính" và rồi thầy cô sẽ thực hiện hàng loạt cuộc "kiểm nghiệm" để xác định khả năng thật sự của người này...
V.M (lớp 11 trường V) cho biết: "Bình thường, mình làm bài chỉ tầm 7, 8 điểm. Thế mà bài kiểm tra hôm ấy, lớp mình không ai được 8 điểm mà mình lại nhận điểm 10. Giáo viên bộ môn quá bất ngờ nên gọi mình lên bảng và giao cho một bài tập "không thể khó hơn được nữa". Mình không làm được nên nhận điểm 0, vì "một học sinh có điểm cao nhất lớp thì phải đủ năng lực để giải bài này, không giải được thì phải nhận số điểm tương xứng thôi". Từ đó về sau, mình mất tự tin hẳn và đôi khi sợ điểm tốt!"
Dark Angel (thành viên diễn đàn trường N) bày tỏ: "Thầy cô thường dựa vào điểm số để đánh giá năng lực. Thế nên những bạn điểm cao chưa chắc an toàn, vì nếu sơ sẩy, chểnh mảng một chút trong học tập là "xơi" điểm thấp như chơi!"
P.A (lớp 12 trường N) đã từng...sợ làm bài tập làm văn quá dài chỉ vì "lỡ hay quá, cô cho điểm cao thì sao?". Nghe khó tin nhưng đó là sự thật.
Không bị bạn bè ghét
V.P (lớp 10 trường N) kể: "Lần nọ, cô cho kiểm tra đột xuất, mọi người chưa chuẩn bị kịp vì bài vở quá nhiều và học thêm liên tục. Mình không học thêm nên ôn bài kĩ, làm bài tốt. Phát bài ra, cô nêu gương mình trước lớp và phê bình một số học sinh giỏi hay ỷ lại...Mình bị "tẩy chay ngầm" từ đó..."
"Một số thầy cô thường thích "cộng điểm". Giả sử, nếu điểm cao nhất ở đợt kiểm tra ấy chỉ là 8, thì giáo viên sẽ cộng cho mỗi bạn thêm 2 điểm, nếu điểm cao nhất là 9 thì cộng 1...Vì vậy, nếu lần đó lớp làm bài tệ mà có người 10 điểm thì người đó sẽ bị "nguyền rủa" không thương tiếc, chỉ vì: "Sao không làm bài được 8 điểm để lớp mình được cộng 2?". Vậy nên có rất nhiều trường hợp, những bạn học sinh giỏi thường "giả vờ" thấp điểm vì tình hình chung của lớp!" - T.T (lớp 12 trường N) chia sẻ
"Muốn mọi người yêu mến thì phải vậy thôi...Đạt điểm cao để rồi bị "cách ly" ngay chính trong lớp thì mệt mỏi lắm" - T.T nói thêm.
An toàn khi thi cử
"Nếu điểm trên lớp của bạn chỉ "đủ dùng" thì đi thi điểm thấp cũng chẳng bị "mang tiếng"! Còn điểm cao ở các bài kiểm tra mà đi thi điểm thấp thì biết úp mặt vào đâu đây? Mọi người sẽ cho rằng bạn quay bài hoặc gian lận mà thôi" - Dark Angel chia sẻ.
Những quan điểm sai lầm
Thực tế cho thấy, những bạn "sợ điểm cao" thường là những bạn "an phận", ít phấn đấu trong học tập. Vậy nên họ mới có những quan điểm sai lầm. Thật sự là nếu sợ điểm cao, sẽ có những "hệ lụy":
Bạn không làm bài hết khả năng, nên những kì thi quan trọng về sau (tốt nghiệp, đại học), bạn rất dễ "đuối". Sẽ có trường hợp mọi người đều được điểm cao còn bạn điểm thấp một cách uất ức, chỉ vì bạn sợ cao điểm hơn mọi người! Mất dần niềm tin vào bản thân. Khi làm bài luôn tự hỏi: "Đây có phải là điểm số thật sự của mình?" Một khi bạn phấn đấu học tập vì lý tưởng cao đẹp chứ không phải vì điểm số thì chuyện điểm cao hay thấp cũng chẳng ảnh hưởng gì. Điểm chỉ là thước đo năng lực tương đối mà thôi. | |