[You must be registered and logged in to see this image.]Mẹ tôi là một bác sỹ nhi khoa.
Ngày đó, bố mẹ tôi chưa được phân nhà. Bởi thế, bố thường nhận đi công tác xa, còn mẹ thì nhận trực đêm triền miên để buổi tối hai mẹ con có thể ngủ trên bàn làm việc của mẹ. Bàn làm việc của mẹ là một cái bàn gỗ bé hin, nên sau mỗi ca cấp cứu lúc nửa đêm về mẹ thường tìm thấy tôi đâu đang vô tư ngáy o o đâu đó… dưới gầm bàn, giữa một đống chăn gối dày cộp mà mẹ đã đề phòng bọc sẵn trước đó. (Không hiểu có phải do hồi bé hay bị rơi xuống đất nên bây giờ tôi mới “cứng đầu” như thế này hay không)
Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi trong suốt thời gian ở trên khoa với mẹ là sao ở đó lại có nhiều em bé đến thế. Tất cả đều bé tí teo như búp bê, nằm trong những “cái hộp màu trắng” mà mẹ gọi là “lồng ấp”. Tôi còn nhớ tôi thường xin mẹ được vào phòng bệnh để “chơi với em bé” nhưng lần nào cũng nhận được một câu trả lời “em bé đó đang bị ốm, chưa chơi với con được”. Nhưng đến khi các em bé đó hết ốm, tôi vẫn không được chơi cùng chúng vì tất cả đều được bố mẹ đón về nhà.
Sống cùng với mẹ trong bệnh viện, có một đêm, tôi bị đánh thức bởi tiếng khóc vang dồn, nức nở....
Quay sang rúc nách mẹ thì không thấy mẹ đâu, tôi liền tuột xuống khỏi bàn, len lén mở cửa đi tìm mẹ và cũng để xem ai khóc. Tôi thấy một người đàn ông đang đẩy dọc hành lang một chiếc xe trên đó có một em bé tí xíu “đang nằm ngủ”.
Còn mẹ em thì vừa khóc nức nở vừa chạy theo chiếc xe dù mọi người thì đang cố kéo cô ấy lại. Tôi nghĩ ngay đấy là ông ba bị chuyên bắt trẻ con mà mẹ thường kể nên chạy biến vào phòng chờ mẹ, không dám ló ra một tí nào nữa. Đó là những đêm tôi không bao giờ quên dù chưa có một tí khái niệm gì về cái chết, chỉ lờ mờ hiểu rằng mỗi khi “cái ông đó” lên khoa mẹ là làm cho các bà mẹ khóc rất nhiều và một em bé lại được mang đi.
Mỗi lần “đi thăm em bé” mẹ đều mặc áo màu trắng tinh và đeo cái ống nghe trông đến ngộ. Tôi thích lén nhìn mẹ khám cho những em bé, vỗ về chúng, nói chuyện với bố mẹ chúng, ngắm nhìn nét mặt họ dần tươi lên trong một nụ cười hy vọng. Tôi đã chứng kiến những ông bố khóc khi nhìn những đứa con của mình nằm trong lồng ấp. Những bà mẹ mơn ngón tay trên lớp kính để tưởng tượng như là đang vuốt ve da thịt con.
Tôi thích đi chơi với mẹ, cũng thích những lúc chỉ có hai mẹ con. Nhưng tôi cũng rất sớm nhận thức được lúc nào cần phải “nhường” mẹ cho các em bé khác. Những em bé ốm yếu cần mẹ hơn tôi.
Tôi đã chứng kiến những giây phút tuyệt vọng.
Có hai vợ chồng quê đến phòng trực của mẹ tôi, vừa khóc vừa xin được đưa em bé của họ về. Em bé đã hôn mê suốt mấy ngày, và họ không còn tin có thể đánh thức em dậy nữa. Nhưng mẹ tôi lắc đầu:“Đúng là tình trạng của cháu rất nguy kịch, nhưng còn nước còn tát, anh chị đừng mất hy vọng”.
Những ngày sau đó, hầu như không có đêm nào mẹ ngủ cạnh tôi. Mắt mẹ trũng sâu và da xanh tái. Và rồi em bé tỉnh lại, có thể bú mẹ. Và tôi nhớ những giọt nước mắt của mẹ em rơi đầy trên má em. Sau này, cậu bé ấy, chỉ kém tôi vài tuổi, thỉnh thoảng vẫn theo bố mẹ đến nhà tôi chơi và gọi mẹ tôi là mẹ.
Bạn có hiểu không, tình mẹ con là một điều rất đặc biệt, các bà mẹ không chỉ đem tặng tình yêu đó cho con mình mà cả cho những đứa trẻ khác.