[You must be registered and logged in to see this image.]Đời sống học đường
Lương cơ bản sắp tăng. Biết là chẳng được bao nhiêu nhưng mà mỗi tháng, bạn đều phải ngần ngừ khi nói với cha mẹ câu nói quen thuộc: Mẹ ơi, con cần tiền học tháng này
Bạn ngần ngừ vì biết giá cả đang leo thang từng ngày. Bạn ngần ngừ vì biết cha mẹ còn bao nhiêu chuyện phải lo toan! Nhưng cũng có thể bạn ngần ngừ vì bạn đang viện đến một lý do không- thể- từ- chối để xin dôi ra một khoản tiền nho nhỏ để chăm lo cho những "nhu cầu nho nhỏ" của mình.
Chuyện “học phí một, hét lên một rưỡi, người đóng tiền hưởng chênh lệch”, số tiền có thể chẳng là bao, nhưng sao cứ khiến chúng ta day dứt mãi.
Các “hét gia”
Thầy H. (dạy Toán trường THCS T.) sau một buổi dạy thêm, nhắc nhở học trò mình đóng tiền học phí, đã phải nghiêm khắc dặn dò: “Các "vị" hô lên thì cũng vừa vừa chứ, 60k thì hô 80k thôi. Hô nhiều quá chúng tôi mang tiếng!”. Lời nói đùa không buồn cười tẹo nào này là dành cho các “hét gia”!
“Hét gia” chính là những dân teen chuyên nâng học phí để hưởng “chênh lệch” từ chính cha mẹ mình. Học phí 70k/tháng, xin chẵn 100k, bố mẹ thì tin tưởng, mà có hỏi thì các “hét gia” chỉ đáp: “Thầy dạy tốt, có tiếng nên mới thế!”
Nhiều “hét gia” lên “trình” theo hướng “càng ngày càng liều”. Lúc đầu, mức “chênh lệch” chỉ là vài mươi ngàn. Sau, thấy làm “hét gia” quá dễ dàng, nhiều hét gia tìm cách ôm trọn cả tháng học phí.
“Bòn” học phí từ những “sô” học ảo
Giới “hét gia” Đà Nẵng có lẽ không ai sánh được với H. “cậu ấm”. Mỗi tháng “cậu ấm” xin mẹ tới 1,2 triệu để nộp học phí môn “kèm”, nhưng thực tế lương của các “thầy”, vốn là mấy anh sinh viên chỉ có 150k. Số tiền còn lại H. tiêu vung vít, chẳng tính đến chuyện cha mẹ mình lăn lộn với cơ sở kinh doanh, làm ăn khi được khi mất.
L.Thắng. (12, THPT P.) nhập hội “hét gia” với mức “chênh lệch” vài mươi ngàn/tháng/môn. Quen vung tay quá trán, Thắng bỏ hẳn một lớp nhưng hàng tháng vẫn xin đủ 500k cho “sô” học “ảo”. Khi mấy đứa bạn thân khuyên nhủ, Thắng còn tỏ ra bực bội: “Mi tưởng 500k nó to lắm hả, chỉ một tối thôi là nhẵn”.
Nhưng “chiêu” bòn tiền cho các lớp học ảo như của Thắng bị giới “hét gia” cho là không “bền”, dễ bị phát giác. Vì thế, để vừa có tiền mà vẫn “được” đến lớp, đa số “hét gia” kiêm luôn nghề “học chui”.
“Khắc hoạ chân dung” các “chui gia”
Theo kinh nghiệm của những “chui gia”, “đột nhập” các trung tâm đại trà gần như là điều không thể, vì những nơi này thường kiểm tra học sinh khá gắt gao. Cơ hội cho họ “thi thố” tài năng là ở các lớp học tại nhà do chính giáo viên mở, lượng học sinh khoảng 50 -70 nhân/buổi học.
K. “chùa”, người có thâm niên học nhiều nơi mà không tốn đồng nào tiết lộ bí quyết: “Đầu khoá học thầy cho ghi tên làm danh sách. Chỉ cần đừng ghi tên vào danh sách là xong, rùi cứ tự nhiên mà đi học thui, nhưng đừng quá nổi bật để gây sự chú ý. Nếu lỡ bị thầy quen mặt thì lặng lẽ bùng!” – rồi K. cười nhăn.
Khi được hỏi "nếu bố mẹ biết thì sao", nụ cười của K. tắt ngấm
Tạm kết
Mỗi ngày, bạn đều cảm nhận được sự chăm lo của cha mẹ. Sự chăm lo đầy yêu thương và tin tưởng ấy là một báu vật vô giá, bạn đừng đánh đổi nó lấy bất kỳ một thứ gì khác, bạn nhé!