[You must be registered and logged in to see this image.]Dùng những từ mang nghĩa không tốt đẹp để chỉ cái không tốt đẹp, nhưng có bao giờ bạn lạm dụng những từ ấy...?
Có bao giờ bạn không ngần ngại chửi một ai đó là điên? Không điên sao mà trong thời buổi này lại có kẻ ngơ ngẩn làm thơ! Không điên sao khi mà cả lớp đang nô đùa vui vẻ, “con bé ấy” lại vô cớ sụt sùi! Không điên sao khi chúng bạn lăn ra cười dáng điệu quái dị của một chú hề trong đám xiếc rong thì “nó” lại bần thần nhìn cái tên lưng gù, chân tay quặt quẹo kia với vẻ xót xa! Không điên sao khi người ta mong vớ được của mà chẳng được còn “gã ấy” nhặt được bạc triệu lại cố tìm cho ra chủ nhân để trả lại số tiền!.... Đúng là lạc điệu!
Vậy thì bạn ơi, có phải bạn vẫn quen dùng từ “điên” để chỉ những hành động trái ngược với số đông, những con người không xu theo thời thế, mà không cần quan tâm cái thiểu số kia là tốt hay xấu, đúng hay sai? Và có phải khi nào đa số cũng luôn hợp lí?
Có bao giờ bạn bảo ai đó là đồ háo danh? Không háo danh sao mà chẳng được ai bầu cho thì chớ, “hắn ta” lại tự ứng cử làm cán bộ, đã thế còn khẳng định chắc như đinh đóng cột:” Bản thân tôi sẽ làm tốt nhiệm vụ này!”. Không háo danh sao mà động cô giáo hỏi cái gì là “đứa ấy”lại dơ tay phát biểu! Bài khó thì chẳng nói làm gì. Nhưng có những bài dễ, “cậu ta” tưởng chỉ mình mới biết hay sao mà cũng xung phong? Kiểu này là muốn chơi trội đây! …
Vậy thì bạn ơi, có phải bạn vẫn đồng nhất từ ”háo danh” với những từ ”bản lĩnh”,” tự tin”, “ham hiểu biết”? Và có phải ta vẫn coi những hành động nhiệt tình, tỏ trách nhiệm với cộng đồng nếu không là “ôm rơm nặng bụng” thì cũng là sự háo danh?
Có bao giờ bạn cười giễu ai đó bạn cho là ngớ ngẩn? Không ngớ ngẩn sao lại hỏi lắm câu mà nhiều người biết? Có bao giờ bạn nhủ thầm” thằng ấy thật dốt! Bài dễ thế mà không biết!” khi cậu bạn cùng lớp nhờ thầy giảng lại cho một phép toán?...
Nhưng bạn ơi, bạn, tôi, tất cả chúng ta đâu có thể biết hết được mọi điều! Có bao giờ không biết một điều gì đấy, bạn sẽ chọn cách hỏi một câu để chỉ dốt trong chốc lát như những kẻ ”ngớ ngẩn” kia, hay không hỏi để dốt cả đời?
Có bao giờ bạn tỏ ra hài lòng, hãnh diện khi đứng bên kẻ yếu ớt, thấp bé hơn bạn? Có phải bạn đã ngầm phân bậc sức khoẻ, chiều cao, cân nặng giống như phân biệt sự giàu nghèo, sang hèn?
Nhưng bạn thử nghĩ xem , bạn có làm được gì cho những người vốn không có may mắn về thể chất, xuất thân như bạn? Bạn có bao giờ tặng lại họ chút may mắn của mình? Bạn có bao giờ gánh đỡ giúp họ một phần công việc? Hay là bạn thờ ơ, chưa từng nghĩ đến từ”chia sẻ”? Hay là bạn chế giễu khinh thường họ?Vậy thì có gì để bạn tỏ ra “lớn” hơn người khác?
Chúng ta dùng những từ mang nghĩa không tốt đẹp để chỉ cái không tốt đẹp. Nhưng có bao giờ bạn lạm dụng những từ ấy cho những điều bạn vẫn ngộ nhận là sai trái hay chưa?