| Phụ huynh thích 'nặn tượng'
Nhiều phụ huynh đã sai lầm khi chọn giải pháp uốn nắn con cái theo một khuôn mẫu mà mình ưng ý.
Thùy Linh (THCS Ngô Quyền) tâm sự: “Nhà mình có 2 chị em gái. Chị mình năm nay đang học lớp 12 và lúc nào cũng là học sinh giỏi của lớp trong khi sức học của mình lại rất bình thường. Bố mẹ luôn lấy chị ra làm gương và bắt mình sau này phải thi vào cấp 3 Chu Văn An giống chị nhưng mình tự lượng khả năng thì thấy đó là điều không thể. Chính vì kỳ vọng quá nhiều nên học kỳ 1 năm lớp 9, biết mình chỉ đạt học sinh tiên tiến vì thiếu điểm môn Văn, bố đã xạc cho mình một trận nên thân còn mẹ thậm chí thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Mình rất tủi nhưng sức học vẫn không thể khá lên như mong muốn. Sợ rằng sau này bố mẹ còn bắt mình làm bản sao của chị dài mà không nghĩ đến tỉ lệ trượt vỏ chuối của con gái!”
Còn Ngọc Anh (THPT) thì lại bị bố mẹ ép trở thành bản sao của cô bạn lớp trưởng tên Nga. Nhà vốn gần nhau nên từ năm lớp 1 Nga và Ngọc Anh đã rất thân và luôn học cùng một lớp. Chỉ có điều tính cách cũng như sức học của cả hai khác nhau một trời một vực. Trong khi Nga luôn đứng đầu lớp và là cán bộ Đoàn trường rất được thầy cô yêu quý, tin tưởng thì Ngọc Anh lại mờ nhạt trong lớp với sức học bình thường, không thể đua tranh với cô bạn thân ở bất kỳ môn học nào. Chính vì điểm này mà bố mẹ Ngọc Anh luôn cảm thấy xấu hổ và lép vế so với gia đình hàng xóm. Họ bắt con gái phải đi học bất kỳ thầy cô nào, lò luyện hay lớp học nào mà Nga theo. Thậm chí từ ngày tiểu học cách ăn mặc và nói chuyện của Ngọc Anh luôn bị bố mẹ chỉnh với tiêu chí “càng giống cháu Nga càng tốt”. Nhưng chính vì kiểu áp đặt như vậy nên Ngọc Anh ngày càng trở nên trầm và mờ nhạt khi đứng cạnh Nga, cô bạn thực sự đang đánh mất đi cá tính của bản thân vì sai lầm của bố mẹ và tình bạn Nga- Anh cũng vì thế mà xấu đi rất nhiều.
Vì không muốn con thua kém bạn bè, vì muốn con được ngoan như bạn A, học giỏi như bạn B…, nhiều phụ huynh đã sai lầm khi chọn giải pháp uốn nắn con cái theo một khuôn mẫu mà mình ưng ý. Họ đã quên rằng mỗi người đều có điểm ưu, điểm nhược riêng, hơn nữa hoàn cảnh, cá tính mỗi người một khác và không thể bó buộc. Hơn nữa, có một điều mà những bậc làm cha mẹ này không hiểu, đó là chỉ khi họ không tự tin hoặc không có khả năng dạy dỗ con cái theo năng lực và lòng yêu thương của mình thì mới nghĩ đến chuyện áp bóng con người khác vào con nhà mình, mong mọi chuyện tốt đẹp theo kịch bản. Đó là điều không thể. Tuổi teen trưởng thành một cách tự nhiên và đặc biệt rất dễ bị tổn thương. Lòng tự ái của những đứa con làm sao không trỗi dậy khi cảm giác cha mẹ chỉ yêu thương đứa con của nhà hàng xóm, chỉ thích mình phải thế nọ, phải thế kia mà không nghĩ đến cảm nhận của mình? Suy cho cùng, biện pháp này hoàn toàn phản tác dụng.
Đã hết thời “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”
Thông thường, các bậc phụ huynh không bao giờ nghĩ rằng họ đang áp đặt cho con cái. Họ chỉ biết, mình muốn cho con nên người, thành đạt và mạnh khỏe...và rằng “Con mình vẫn còn nhỏ, chưa thể tự quyết nên mình quyết thay, chung quy cũng là tốt cho nó!”
Quan điểm này không hẳn là sai nhưng nếu cứ khăng khăng làm theo ý mình, đôi khi phụ huynh thất bại, thậm chí “trắng tay”. Chuyện ép con cái đăng ký học trường, ban, ngành theo ý mình giờ đã rất phổ biến. Không lạ chuyện một teen chưa kịp mừng vì đỗ vào lớp 10 đã phải lo sốt vó vì cha mẹ bắt đăng ký nguyện vọng ban A trong khi mình lại cực kết Văn, Anh, cực kỵ Lý, Hóa và từ lâu đã thầm ước đặt chân vào “Phân viện báo chí tuyên truyền”. Thế rồi, thậm chí nhiều teen “ước sao” điếm thi của mình bớt đi một vài điểm để không đủ điều kiện vào ban Tự nhiên, như thế sẽ nghiễm nhiên được chọn xã hội.
Hải Nam (THPT Hai Bà Trưng) ngán ngẩm: “Mình đã rất mong được chọn khối D, học ban xã hội cho dù là con trai. Mình mong trở thành nhà báo từ lâu rồi nhưng bố mẹ lại muốn mình theo nghề y của gia đình vì vừa hái ra tiền, vừa dễ xin việc. Thậm chí mình đã dùng cả cách cố tình học yếu môn Lý để có thể chuyển ban nhưng bố cũng không vừa. Mẹ thì nhịn ăn, bố thì răn đe, bữa cơm của cả nhà chẳng bao giờ yên ổn thậm chí bố còn nói có thừa khả năng mua điểm cho mình.”
Còn Giang, một teen lớp 12 lại bị bố mẹ ép đi du học Anh vì sợ con trượt đại học. Gia đình khá giả, bố là giáo sư nên chuyện con cái trượt đại học là điều cấm kỵ theo bố mẹ Giang, hơn nữa anh Giang cũng đã vấp phải một lần. Vì thế nên dù cô bạn có cố gắng đến đâu, bố mẹ vẫn khăng khăng: “Người ta học hành kỳ cụi như trâu cày, xếp hạng 1, hạng 2, giải nọ, giải kia còn chưa ăn ai, nói gì đến con. Hơn nữa học tài thi phận, như anh con hỏng mất 1 năm đấy. Con mà lại trượt nữa thì bố mẹ ê mặt.”
Và không chỉ có Giang, có Nam, không chỉ có 1, 2 cách áp đặt mà phụ huynh ngày nay có đến trăm phương ngàn kế vì con cái.
Dĩ nhiên, ở thời đại nào con cái cũng phải hiếu kính và nghe lời cha mẹ. Nhưng xã hội càng phát triển, con người cũng tiến bộ hơn trong lối sống và suy nghĩ. Đã xa rồi cái thời phong kiến “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Nếu con cái có đam mê và khả năng thì tại sao lại phải nhất nhất đi theo đường lối và nguyện vọng của cha mẹ. Và sẽ là lỗi của ai nếu lựa chọn đó là sai lầm?
Trong hàng ngàn phương án, hy vọng phụ huynh vẫn tôn trọng con cái và đặt ý kiến của con lên hàng đầu. Tôn trọng và ủng hộ nếu có lý lẽ thuyết phục sẽ hoàn toàn không phải nuông chiều hay đặt tương lai con nhầm chỗ. Đó là điều mà rất nhiều teen muốn nói với cha mẹ mình “Yêu con, thương con tức là hãy luôn tôn trọng ý kiến của con.” | |