| Cứ mỗi bận về quê, tôi thường ra phía sau nhà để nhìn màu nước mênh mông trắng xoá.
Mãnh ruộng lúa xanh bạt ngàn, cánh đồng năng cao ngút đầu người ngày trước, giờ được bao bọc xung quanh bởi những con đê để giữ nước nuôi tôm. Mỗi lần như vậy tôi lại thèm được sống lại thời quá khứ tuổi thơ, được thưởng thức những quả trứng chim mà bố mang về từ cánh đồng vào mùa lúa chín.
Ngày đó chim chóc còn nhiều. Ở quê tôi cứ vào độ lúa đang vào thì con gái, có rất nhiều loài chim kéo về đồng, mà nhiều nhất là cúm núm. Trãi qua mấy tháng ròng đồng khô không thức ăn, cúm núm phải lánh mình trong những bụi rậm, lùm đìa.
Đến mùa lúa chín có nhiều thức ăn chúng mừng rở, bay khắp ruộng tìm nơi vừa ý để làm tổ đẻ trứng.
Cúm núm thường chọn những cụm lúa dày, kín để xây tổ. Loài chim này xây tổ rất nhanh, chỉ vài ba ngày ra thăm ruộng nhà nông sẽ thấy cả một khoảng lúa được chúng bẻ cụp bông xuống hết. Khi tổ hoàn thành chúng bay quanh mời gọi bạn tình bằng tiếng kêu tum tum, ọc ọc vang khắp đồng.
Nghe tiếng kêu bố tôi lật đật xuống xuồng, mang theo cây sào chống ra cánh đồng phía sau nhà lần theo âm thanh mà tìm tổ. Hôm tìm được ít tổ chỉ được vài trứng, nhưng có hôm gặp được nhiều tổ là cả một mũi xuồng trứng chim. Chẳng những trứng cúm núm mà còn có trứng của chích ghé, chích cồ, học trò, le le... Trứng cúm núm nhỏ hơn trứng gà, có những đóm bông đỏ đỏ và có vỏ rất mỏng nên chỉ cần bỏ trứng vào nước cơm nóng là chín chứ chẳng cần phải luộc như trứng gà.
Ngày đó nhiều người ở xóm tôi chẳng những lấy trứng mà còn tìm cách bắt luôn cả cúm núm mẹ. Khi đã phát hiện được tổ, người ta bắt con cào cào móc vào lưỡi câu để bên ngoài gần miệng tổ nhằm lừa chim mẹ. Chiều đến khi trời vừa sụp tối, cúm núm tìm về tổ gặp mồi liền ăn, thế là cúm núm nuốt luôn con mồi cùng lưỡi câu vào bụng. Khi bị mắc bẩy cúm núm lo ó, giãy dụa rất đáng thương ở phía ngoài để không làm ảnh hưởng đến tổ. Khi ấy người giăng bẩy đã chờ sẵn từ trước, chỉ việc đến bắt chim mẹ và lấy luôn tổ lẫn trứng về nhà.
Nhiều lần nhìn thấy mấy chú hàng xóm đi đồng về xách lỉnh khỉnh những con cúm núm trỗng ngược đầu xuống đất cùng những cái tổ được bện rất khéo từ những bông lúa đang ngậm sữa, trông chúng tội nghiệp vô cùng. Ba tôi cũng là người thường đi tìm tổ cúm núm nhưng ba chỉ lấy trứng chứ không bao giờ bắt chim mẹ. Ông thường nói: "Để cho chúng sinh sôi, chứ bắt hết rồi lấy đâu ra nữa?".
Trong thời gian tôi xa nhà lên Sài Gòn học, cánh đồng phía sau nhà đã chuyển dịch hết sang nuôi tôm. Loài cúm núm không còn nơi để tìm về như trước nữa, chúng mất dần. Ngày nay thịt cúm núm nằm trong danh sách những món đặc sản ở nhiều nhà hàng, quán ăn lớn. Loài chim trời này đã mang lại một phần thu nhập cho cuộc sống của những người dân quê nên họ tìm mọi cách bắt cho bằng được. Loài cúm núm chẳng còn.
Theo thói quen ngày trước, mỗi lúc về quê khi ráng chiều buông xuống tôi hay nhìn ra phía sau nhà nơi mảnh ruộng ngày xưa, để nhớ về một thời kí ức tuổi thơ. Cứ chiều đến là nghe vang lên tiếng cúm núm gọi bầy tum tum, ọc ọc.... | |