| Cuốn theo guồng quay của quả bóng Europass, không khí bóng đá đang nóng lên từng ngày tại Việt Nam.
Nóng vì hàng triệu triệu con tim yêu bóng đá nhưng cũng vì một tực trạng đáng buồn đang len lỏi xâm nhập vào cộng đồng teen Việt, nạn “cá độ bóng đá”.
Cá độ muôn hình vạn trạng
Dù đang vào thời điểm nghỉ hè nhưng phần lớn học sinh ngày nay đều phải tính đến năm học sau bằng việc học thêm. Thế nhưng việc học chỉ là thứ yếu xếp sau đề tài Euro nóng bỏng. Mặc cho vẻ ngoài mệt mỏi phờ phạc vì những đêm thức trắng cùng bóng đá, các teen nhà ta vẫn bàn luận rất sôi nổi về khả năng thắng thua của từng đội để tiện bề “bắt độ”. Họ còn truyền tay nhau những tờ báo thể thao với hàng chục dự đoán, rồi tỉ lệ cược từ châu Á đến châu Âu. Tuy nhiên xem tỉ lệ của nhà cái lớn đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo. Phần lớn teen chỉ chia phe ra cá độ với quy mô khoảng hơn chục người một nhóm. Bạn Minh.Q (lớp 11 trường LTK, Hóc Môn) cho biết: ”Mình với mấy đứa bạn cá nhau một chầu gà rán ở Lotteria. Cá cho vui và để có cảm hứng xem mấy trận “lèo tèo” ở vòng bảng vậy mà!”.
Không phải ai cũng lấy tiêu chí “cá cho vui” như Q. Trường hợp của Đ (sinh viên năm nhất trường CNTT) có vẻ “nặng đô” hơn. Từ ngày giải khai mạc đến nay Đ thừa nhận đã bắt độ tất cả các trận. “Lúc đầu cũng bắt vài chầu cà phê cho vui. Nhưng thắng được vài trận lại nghe lời khích tướng của bạn bè thành ra “máu” hơn. Giờ không trận nào dưới 300k”! Khi được hỏi về tỉ lệ thắng thua thì Đ rầu rầu “Thắng được 2 trận nhưng ngần ấy chẳng bù với số thua lại.” Tuy nhiên Đ không có vẻ gì nản lòng, bạn khẳng định sẽ chơi tiếp để ….gỡ lại.
Không những teen nam mới bị cuốn vào bóng đá, teen nữ cũng tỏ ra không kém cạnh. Phần lớn các bạn nữ không am hiểu nhiều về bóng đá nên chỉ “ăn theo” bạn bè cho “bằng chị bằng em”. Tại lớp hè của một trung tâm bồi dưỡng văn hoá ở Q.12, tôi bắt gặp một nhóm khoảng 5 nữ sinh lớp 11 đang chụm đầu vào nghe “cánh mày râu” bàn tán sôi nổi về 2 trận đấu diễn ra đêm nay. Bạn V.A, 1 thành viên trong nhóm hăng hái: ”Nhiều đứa bạn của tui bảo Thuỵ Điển năm nay mạnh lắm!(?). Tối nay tui sẽ bắt Thuỵ Điển.” Nhưng cô nàng lại thừa nhận mình chưa từng xem Thụy Điển đá trận nào, chỉ bắt vì “ai cũng nói về bóng đá, không lẽ mình đứng ngoài lề thì….quê lắm! Còn nếu hên còn được mấy chục ngàn tiêu vặt.
Còn với những teen không có nhiều bạn bè để có thể góp tụ thì vẫn có 1 hình thức khác để dấn thân vào trò may rủi. Đó là việc cá cược qua SMS mà báo chí lẫn truyền hình đang thi nhau mời gọi. Một tin nhắn SMS dự đoán tỉ số mất khoảng 2000-3000đ, có vẻ như ít tốn kém hơn cá độ thật. Tuy nhiên, để “chọi” với hàng nghìn thuê bao khác, buộc lòng mỗi người cá độ ảo phải nhắn ít nhất 10 SMS cho tổng đài với các dự đoán khác nhau mới mong “rinh giải”. Như vậy với 2 trận đấu mỗi đêm, những teen thích thử vận may phải tốn trên dưới 50 000đ trong tài khoản di động! Một con số không phải nhỏ trong thời buổi vật giá leo thang này.
Cá độ, cá luôn “cơm cha, áo mẹ”
Dù cá bằng tiền mặt hay thông qua những chầu ăn uống, mỗi teen thua độ cũng phải mất ít nhất là 50k. Thậm chí, với những trường hợp “càng thua càng muốn gỡ” như Đ, chuyện mang năm ba trăm ngàn “ném qua cửa sổ” là chuyện thường. Tự hỏi, với những cô cậu học sinh còn sống nhờ “cơm cha, áo mẹ”, để học đến nơi đến chốn đã là một việc khó, lấy đâu ra tiền để các bạn vung vào những thú vui vô bổ này?
Khi được hỏi như thế, bạn Minh.Q thú thật: ”Nói thật, mỗi lần thua độ cũng xót tiền lắm. Có trận bắt “hố” mà phải nhịn tiền sáng cả tuần.” Tôi lại thắc mắc, phải “chịu khổ” như vậy tại sao vẫn không chừa thì bạn ấp úng: ”Ừ thì….cũng muốn bỏ. Nhưng mà bạn bè đang vui, không lẽ tiếc tiền thì kì quá nên cũng cắn răng mà chịu”.
Về phần anh chàng Đ “máu lửa”, sau khi quả quyết với tôi sẽ thắng lớn trận Ý- Hà Lan 3 ngày trước thì tôi gặp lại Đ trong một quầy điện thoại công cộng. Hoá ra Đ đã cầm chiếc O2 mới cáu để lấy 2 triệu đồng dốc vào trận vừa rồi với hy vọng “lấy lại những gì đã mất”. Tôi ngao ngán vì không khéo anh chàng này sẽ “mất luôn những gì đang có”!
Các teen bây giờ “gan” thật khi sớm dấn thân vào trò đỏ đen tai hại. Đồng tiền không do tự mình kiếm ra thì không thấy hết giá trị của nó. Những bậc phụ huynh có lẽ không thể ngờ con em mình lại tiêu tiền vào những thú vui vô bổ này. Thậm chí nhiều bậc làm cha làm mẹ càng không ngờ “cô công chúa” ngoan ngoan của mình cũng có thể vướng vào tệ nạn cá cược. Bạn V.A thú nhận rằng để có tiền “theo bạn theo bè”, bạn đã nói dối bố mẹ để xin tiền với lí do là mua sắm quần áo, hoặc đóng tiền học phí. V.A phân trần: ”Tui cũng áy náy lắm. Nhưng tui thấy mấy chục ngàn đâu phải to tát đến mức làm gì cũng phải có lí do. Thay vì mua cái kẹp tóc thì tiêu vào việc cá độ cũng vui. Với lại Euro chỉ diễn ra trong 3 tuần thôi. Mà tui cũng đâu phải chỉ toàn thua đâu!”
Mấy chục ngàn đúng là không to tát thật nhưng nếu không có sự bảo trợ của bố mẹ, liệu bạn có thể kiếm nổi một đồng nào không? Hy vọng những lời nói vô tâm đó đừng bao giờ đến được tai bố mẹ bạn, vì khi đó họ sẽ đau lòng lắm.
Hãy giữ gìn nét đẹp của bóng đá!
Hầu hết những tín đồ của túc cầu giáo đều bắt đầu tình yêu bóng đá của mình ở lứa tuổi teen. Bởi lẽ đây là lúc tâm hồn con người nhạy cảm và phong phú nhất. Người ta sẽ rất dễ rung động bởi vẻ đẹp tinh thần mà bóng đá mang lại. Nhưng tiếc thay, khi tình yêu bóng đá bị biến tướng thành những canh bạc đỏ đen thì liệu còn bao trái tim thật sự cuồng nhiệt theo từng vòng quay của quả bóng tròn? Không khéo những teen mới bắt đầu biết đến bóng đá sẽ bĩu môi: ”Chỉ có tiền mới khiến người ta điên vì bóng đá!”.
Hy vọng những bạn trẻ đã, và đang lạc hướng trong những canh bạc may rủi hãy sáng suốt để từ bỏ nó. Hãy xót thương những đồng tiền ướt đẫm mồ hôi của bố mẹ bạn mà dừng lại trước khi quá muộn. Xin hãy trà lại những nét tinh tuý của bóng đá, vẻ đẹp của nghệ thuật trong thể thao và của tinh thần đồng đội! | |