[You must be registered and logged in to see this image.]Tháng 12/2009, tạp chí Time của Mỹ đã chọn ra “10 khám phá khoa học nổi bật trên thế giới năm 2009".
Trong đó công trình toán học của GS Ngô Bảo Châu được xếp hạng 7, bên cạnh những khám phá lớn như: Tìm thấy người Ardi - Tổ tiên cổ nhất của loài người, Lập bản đồ chi tiết về bộ gen người, Phát hiện nước trên Mặt trăng... Đây là một vinh dự cho GS và cho cả mọi người Việt Nam. Nhiều bạn trẻ ham học thắc mắc thành... thơ: “GS Ngô Bảo Châu/ Người giỏi là nhờ đâu...?”
GS Ngô Bảo Châu (thứ 2 từ trái qua) tại lễ trao giải thưởng toán học ở Đức, 2007.
Ngô Bảo Châu (thứ 3 từ trái sang) trong đội tuyển đi thi Olympic Toán quốc tế năm 1989.
“CHUYÊN GIA” TOÁN HỌC TỪ NHỎ
Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội. Cha là GS - TSKH ngành cơ học Ngô Huy Cẩn, mẹ là PGS - TS ngành dược học Trần Lưu Vân Hiền. Lần ngược về gia tộc, trong dòng họ anh từng có người giữ đến chức Đông các Đại học sĩ - chuyên dạy học cho các thái tử trong triều.
“Thời tiểu học và trung học cơ sở, mỗi khi thấy tôi có vẻ lười một tí hay không kiên nhẫn với những bài toán khó, bố tôi không nói gì nhiều mà chỉ kể chuyện xa gần rằng trong dòng tộc tôi có rất nhiều nhà khoa bảng, học giỏi; rằng bố tuy đã là giáo sư, tiến sĩ nhưng vẫn cứ thích học nữa, học mãi, chỉ sợ tuổi cao trí nhớ giảm không được như các cậu đang ở độ tuổi thanh niên, thiếu niên (nhắc khéo tôi đây); rằng có nhiều người phải vượt khó trong cuộc sống để được học chứ không chỉ vượt qua một bài tập đã cảm thấy thối chí, v.v... Chính những lời nhẹ nhàng như thế mà ngấm sâu và lâu trong tim óc tôi, khiến lúc nào mải chơi chợt nhớ đến thì tôi “nhảy dựng” lên lao vào học”.
Đó là cú hích từ bên ngoài. Anh còn kể một cú hích nội tại như sau: “Thời tiểu học, mỗi khi gặp một bài toán cực khó, bí quá phải mở phần đáp số ở cuối sách ra xem lời giải, lúc ấy trong tôi tràn dâng một nỗi xấu hổ, dằn vặt đến khổ sở, giống như cảm giác của một cầu thủ không đá được quả bóng vào lưới mà phải chơi bằng... tay vậy”. Chính cảm giác “chơi bóng bằng tay” ấy đã hích anh tránh xa, cố không, hoặc hạn chế vi phạm “luật chơi”, bằng cách tự nỗ lực tìm ra đáp số là chính.
Lên THPT, Ngô Bảo Châu học ở khối chuyên Toán Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Tự nhiên).
Mùa hè 1988, đang học lớp 11, Ngô Bảo Châu được chọn vào đội tuyển quốc gia đi thi Olympic Toán quốc tế tại Úc và đoạt Huy chương vàng với số điểm tuyệt đối 42/42. Lúc ấy, anh mới 16 tuổi, là học sinh nhỏ tuổi nhất trong đoàn. Hè năm sau, 1988, Ngô Bảo Châu lại được chọn đi thi tại Đức và chiếc Huy chương vàng một lần nữa lại về tay anh.
Năm 1989, hoàn tất chương trình THPT, Ngô Bảo Châu được Chính phủ Pháp cấp học bổng sang học tại Trường ĐH Paris 6. Sau 2 năm theo học, anh quyết định thi vào hệ đào tạo tiến sĩ của Trường ĐH Sư phạm lừng danh thế giới và đậu thủ khoa (mặc dù môn tiếng Anh chỉ được điểm 2/20)! Thế rồi, năm 1997, lúc 25 tuổi, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Năm 2002, lúc 31 tuổi, anh bảo vệ luận án habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học).
HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC TOÁN HỌC
Sau khi trở thành tiến sĩ khoa học, Ngô Bảo Châu ngay lập tức được mời làm giáo sư của hai Trường ĐH - Paris6 và Paris11 (2004). Cũng năm này, anh được nhận giải thưởng toán học Clay của Mỹ, là người VN đầu tiên sở hữu giải thưởng này. Đồng lúc đó, Viện nghiên cứu khoa học cao cấp Princeton- Mỹ mời anh sang làm giáo sư.
Giải thưởng Clay 2004 được trao cho Ngô Bảo Châu (cùng người thầy, người đồng sự Gérard Laumon - Pháp) là về công trình chứng minh thành công Bổ đề cơ bản của Langlands - “một quả bom tấn trong toán học đương đại” - như lời nhận xét của Viện trưởng Viện Toán học VN Ngô Việt Trung. Hai giải thưởng của nước Đức 2007 và Pháp 2008 tiếp theo chính là công nhận sự “giải quyết trọn vẹn Bổ đề cơ bản” mà Ngô Bảo Châu đã tiếp tục hoàn thiện sau đó. Và rồi cuối 2009 vừa qua - sau khi trải qua một năm được nhiều nhà toán học thế giới tập trung phân tích, chứng minh - công trình toán học Bổ đề cơ bản nói trên của Ngô Bảo Châu đã được tờ Time xếp hạng là một trong 10 khám phá khoa học vĩ đại nhất trong năm. Theo tường thuật của báo, “các nhà toán học lừng danh đã thở phào nhẹ nhõm bởi từ đây “chương trình Langlands” sẽ bước sang một trang mới”. Nhưng với bạn đọc tuổi tím, “chương trình Langlands” là gì vậy nhỉ?
“CHƯƠNG TRÌNH LANGLANDS”
Theo báo Time, năm 1979, nhà toán học Robert Langlands phát triển một lí thuyết nhằm kết nối hai nhánh của toán học là hình học và số học. Nếu chứng minh được nó, loài người sẽ gần như có được một cái nhìn thống nhất cho nhiều ngành toán học hiện đại. Ngày nay, người ta gọi nó là “chương trình Langlands”. Langlands hiểu rằng chứng minh những giả định của ông sẽ là công việc của... nhiều thế hệ. Nhưng ông tin rằng, khi trở ngại đầu tiên - gọi là Bổ đề cơ bản - bị chinh phục thì lí thuyết sẽ được chứng minh. Langlands và các cộng sự của ông đã chứng minh được những trường hợp đặc biệt, nhưng chứng minh trường hợp tổng quát thì không biết đến bao giờ. Nhưng đúng 30 năm sau, Ngô Bảo Châu đã làm được việc “vô cùng khó” đó. “Qua Ngô Bảo Châu, những việc làm của bao nhà toán học suốt 3 thập kỉ qua bỗng nhiên được chứng minh là đúng đắn”, báo Time bình luận.
***
“Nếu chúng ta có thể tự hào về Trống Đồng, thì cũng có thể tự hào về một người Việt Namđạt được thành tựu toán học nổi tiếng thế giới như GS Ngô Bảo Châu” (GS Nguyễn Tiến Dũng ở Đại học Toulouse, Pháp).