[You must be registered and logged in to see this image.]Hôm qua, nó mới về thăm nhà. Với một sinh viên phải đi trọ học như nó thì những ngày được về bên gia đình bao giờ cũng là những ngày thoải mái, êm đềm và hạnh phúc nhất. Thế mà, có một chuyện làm cho những ngày ở nhà của nó không được vui.
Chuyện là, mẹ nó tự dưng lại trách rằng nó là một đứa con gái thật vô tâm. Nói tự dưng thì cũng không đúng lắm. Song, từ hồi nó đi học xa, mẹ chưa bao giờ trách nó như thế bao giờ. Bao giờ mẹ cũng động viên nó phải học cho thật tốt, cố gắng tham gia những hoạt động tập thể ở trường và nếu làm thêm làm nếm để tích lũy kinh nghiệm thì càng hay. Mẹ đã từng dặn nó đừng lo lắng vì những việc ở nhà. Nó chưa đến tuổi phải lo những chuyện to tát đó. Cứ là một sinh viên giỏi là bố mẹ vừa lòng rồi. Đấy, mẹ nó đã từng dặn nó như thế đấy. Nó cũng theo lời mẹ, luôn luôn chăm chỉ đến thư viện, rồi học hỏi thêm từ thầy cô bè bạn để trở thành một trong những người đạt điểm số cao ở lớp. Vậy sao mẹ còn trách nó vô tâm chứ? Nó luôn làm theo những gì mẹ dặn mà?
Đem thắc mắc ấy hỏi mẹ, nó nhận được câu trả lời là cả một buổi trò chuyện dài. Nhờ đó, nó mới thấm thía nhiều điều. Mẹ nó thủ thỉ: “Con gái ạ, học giỏi là một điều rất tốt. Nhưng chỉ học thôi thì chưa đủ. Con phải để tâm vào nhiều điều trong cuộc sống này nữa. Nhất là với con gái, thì sự cẩn thận, chu đáo, tâm lí càng được đòi hỏi cao hơn. Mẹ thấy con vẫn còn chưa chú ý vào nhiều điều nhỏ. Mà đôi khi, chính những điều nhỏ bé ấy lại có ý nghĩa lắm đấy. Mẹ lấy ví dụ nhé, chiều qua, mẹ về muộn, không kịp mua thức ăn. Mẹ nhờ con đi chợ giúp mẹ. Thay vì mua cái gì đó về nhà tự chế biến, thì con lại mua đồ ăn sẵn. Bố mẹ con vốn đã không thích đồ ăn sẵn rồi. Con biết không, những hôm bố mẹ đi làm về muộn, cũng có khi phải mua đồ ăn sẵn đấy. Có con gái về, là được con gái nấu nướng, đỡ đần giùm cho. Đồ ăn con nấu, có thể còn chưa mĩ mãn nhưng bố mẹ sẽ rất thích vì nó nói lên sự quan tâm, săn sóc của con đến mọi người trong nhà. Con thấy thế có đúng không nào?”
Nó im lặng, đồng tình. Quả thật, chiều qua nó đã ngại nấu nướng nên đã mua đồ ăn sẵn cho bố mẹ thật. Cũng có hơi áy náy tí tẹo đấy, rồi nó lại tặc lưỡi vì nghĩ rằng, bố mẹ sẽ không trách đâu. Mẹ lại nói tiếp:
“Những lần con gọi điện về nhà, ngoài những điều cần hỏi, những thông tin cần thông báo với bố mẹ, thì chẳng mấy khi mẹ thấy con hỏi thăm bố mẹ lấy một câu. Bố con dạo này hay đau lưng lắm, toàn phải uống thuốc. Vậy mà con cũng chẳng hỏi bố xem tình hình sức khỏe thế nào. Con biết không, bố con trong khô khan vậy thôi, nhưng cũng tình cảm lắm đấy. Được nghe một câu hỏi thăm của con, thì bố sẽ vui biết bao nhiêu”.
Lần này thì nó thấy mình vô tâm thực sự rồi. Bố bị đau lưng mà nó cũng không biết. Thật là…
“Còn chuyện này nữa, lần trước mẹ lên thăm con, mẹ thấy con vẫn thực sự chưa để tâm vào cuộc sống của chính mình. Đồ đạc trong phòng con còn bừa bộn. Những vật dùng nhỏ như chìa khóa, điện thoại con hay quăng quật linh tinh để rồi đến lúc cần mới tá hỏa lên tìm. Bạn Mai ở cùng phòng với con nhiều lúc phải dọn dẹp giùm con nữa. Bạn ấy cũng là sinh viên, cũng đi làm thêm rất bận rộn; sao con lại để bạn mất thời gian vì mình như vậy? Mẹ thấy như vậy là không ổn. Dù ở trọ, thì con cũng phải yêu mến và có trách nhiệm, coi nơi đó như là nhà của mình. Có vậy thì con mới yên tâm mà học tập và sinh hoạt tốt được”.
Nó giật mình. Những chuyện nó cho là cỏn con như vậy mà mẹ cũng nhớ sao? Thì ra mẹ không nói không có nghĩa là mẹ không biết và không để ý. Mẹ vốn là người phụ nữ chu đáo, làm sao mà những chuyện đấy lại có thể “ qua mắt” mẹ được chứ. Cũng tại nó, bấy lâu nay, nó đã quen với kiểu sống cẩu thả, tùy tiện và vô tâm rồi. May quá, có mẹ nhắc nhở nó, chứ không thì không biết nó còn như thế đến bao giờ.
Nó lại thu xếp quần áo, đồ ăn lên nơi trọ học. Hành lí lần này nhẹ hều, còn trái tim nó thì nặng trĩu. Lần đầu tiên, nó thấy mình ray rứt về lời nói của mẹ: “Là ai cũng thế thôi, phải biết để tâm con ạ. Làm việc gì, nghĩ tới ai cũng nhớ mang theo một chữ tâm con nhé!” Chỉ hai chữ ấy thôi, mà chưa bao giờ nó nhớ. Nhưng lần này, nó quyết tâm sẽ nằm lòng hai chữ ấy: “ Để tâm”.