[You must be registered and logged in to see this image.]Khi chút gió dịu dàng của mùa xuân vừa qua thì màu nắng vàng ươm rạo rực của mùa hè lại tới.
Mùa qua mùa, vạn vật cứ thế thay đổi theo quy luật bất biến của thời gian.
Bạn tôi thường nói rằng họ yêu nhất mùa xuân xanh tươi cây cỏ hòa cùng sắc thắm hoa thơm tạo nên bản giao hưởng thiên nhiên nhẹ nhàng, đắm say với mùa hè đầy trái cây ngọt lịm, thiết tha với mùa thu lãng mạn lá vàng và cũng yêu sao mùa đông giá rét làm mọi người trở nên gần nhau hơn để chia sẻ thật nhiều hơi ấm.
Nhưng ở quê tôi, một vùng đồng bằng bốn bề sông nước Nam Bộ thì một năm không có bốn mùa rõ rệt để tôi cảm nhận, những tháng mưa trôi qua rồi đến những tháng nắng. Và có một “mùa” thật đặc biệt, đối với tôi đó chính là mùa đẹp nhất trong năm - “mùa gặt hái” hay tôi còn gọi đó là “mùa vàng”.
oOo
Sau khi đón cái Tết giản đơn với mâm quả, bữa cơm tất niên đầm ấm, những gia đình nông dân liền trở về với công việc đồng áng. Họ chuẩn bị bao, thúng, liềm gặt lúa… để chuẩn bị vào vụ mùa thu hoạch lúa Đông Xuân.
Những mùa vàng trong tôi lại hiện về trong kí ức…
Nét quyến rũ lạ thường của miền đồng quê với một bên là con sông hiền hòa đầy ắp phù sa và một bên là ruộng lúa trĩu hạt khiến tôi tưởng chừng không một họa sĩ nào có thể khắc họa lại được trong bức tranh thiên nhiên tuyệt vời nhất. Ngỡ ngàng nhìn đồng lúa chín vàng ươm trong nắng sớm. Tia nắng mới thoáng trên cây ô môi đã vội xuống cánh đồng nhảy nhót lấp lánh, rồi cả một cánh đồng ngập nắng lung linh, không chói chang như nắng mùa hè, nắng mùa xuân trong vắt và dễ chịu như hơi thở đầy sức sống của đất trời. Và gió chính là người bạn không thể thiếu bên nắng, gió có lúc nhẹ nhàng đưa hương lúa chín thoang thoảng khiến lòng người thanh thản rồi có lúc thổi mạnh làm những sợi rơm vàng óng ả bay khắp nơi, vương trên cả mái tóc của tôi buổi chiều tà nhẹ nắng.
Lúa vàng tươi như một tặng phẩm đặc biệt của thiên nhiên ban tặng con người. Những chiếc máy tuốt lúa suốt mấy tháng dài nằm nghỉ ngơi nơi chái nhà giờ lại tất bật chạy khắp cánh đồng rộng bao la để làm nhiệm vụ của mình. Mỗi máy tuốt tựa như một “gã khổng lồ” với chiếc miệng rộng, người nông dân luôn tay đưa lúa vào mà dường như vẫn không kịp tính háu ăn của gã. Những chiếc thúng thay phiên nhau hứng lúa, chút xíu lại đầy một thúng, một người khác nhanh tay đưa chiếc thúng khác vào trong khi một người đổ lúa từ thúng vào miệng bao mà một người đang cầm sẵn. Cứ liên tục như thế suốt một ngày dài, thế mới biết nỗi vất vả của người nông dân từ lúc ươm mầm đến khi thu hoạch. Ở cánh đồng bên kia, những cô thôn nữ quấn khăn rằn kín cổ, mặc áo bà ba dài tay bạc màu nắng gió nhưng lúc nào nụ cười cũng tươi thắm trên môi như điểm xuyết thêm cho cánh đồng những bông hoa đầy hương sắc. Những chàng trai miền quê chân chất, thật thà trở nên tháo vát hơn lúc nào hết, một tay gom lúa, vác những bao lúa nặng trĩu xuống những chiếc ghe chờ sẵn trên bến để đem lúa về xóm. Nhìn xa những chiếc nón lá màu trắng trên cánh đồng vàng tựa như những viên ngọc sáng nhấp nhô trên biển lúa.
Nét tươi vui không chỉ hiện trên gương mặt người nông dân nhọc nhằn sớm hôm chăm sóc để những bông lúa trĩu hạt báo hiệu vụ mùa bội thu mà những đứa trẻ như chúng tôi cũng say sưa với cảm giác được nô đùa trên bờ ruộng. Trời tháng ba nhiều gió, mấy đứa lớn cầm trên tay con diều đủ màu sắc lung linh, mấy đứa nhỏ chạy theo sau hát hò í ới. Nhớ ngày đó, thằng Mít hàng xóm cũng thường làm cho tôi con diều bằng giấy báo cũ, nếu công phu lắm là diều từ miếng vải nhựa bị rách mà chúng tôi tìm được. Lúc ấy cũng không có keo dán như bây giờ nên Mít toàn dùng cơm nguội hay loại hồ làm từ bột nhão nhoét để dán diều. Tôi chống cằm đợi cho diều khô trong khi nó đi kiếm cho tôi mấy trái ổi dại mọc cạnh bờ sông, trái có chút xíu nhưng ngọt lịm và thơm hơn ổi nhà trồng. Trông nó nhỏ con nhưng leo trèo rất giỏi nên hái được những trái ổi chín tận trên cao. Con diều đơn sơ, chưa bay cao đã rách vì gió thổi quá mạnh, để lại bơ vơ trên nhánh tre nơi góc ruộng chiếc đuôi làm bằng ba mảnh giấy dài bay phấp phới. Lần nào tôi cũng khóc vì tiếc con diều cho đến lúc nó hứa ngày mai sẽ đi học về sớm làm con diều khác cho tôi. Thế mà, mới sáng ra nó đã mang sang cho tôi con diều mới đẹp hơn làm tôi cười tít mắt. Tôi liền đem con diều ra phía sau nhà thả nhưng không ai ở phía sau nâng diều lên nên tôi cũng phải chờ buổi chiều đến lúc Mít đi học về.
Nhà ai mùa lúa cũng vui như tết, sáng sớm ba đã gọi bầy con dậy đem lúa ra sân phơi cho kịp nắng. Những tấm đệm được trải ra kề liền kề, lúa từ bao được đổ đầy một sân vàng rượm. Xóm chúng tôi ở chẳng nhà nào có hàng rào bao quanh, sân ai rộng mà lúa ít thì nhà khác đem sang phơi nhờ. Lúc tối đến cũng chẳng cần đem lúa về nhà, chỉ cần gom lại cho gọn ở một góc sân để tránh sương đêm, sáng hôm sau lại bung ra phơi tiếp. Người nông dân đối xử với nhau bằng tình người chân chất, không hoa mĩ nhưng có thể cảm nhận được, bởi ẩn sâu trong mỗi câu nói luôn đầy ắp biết bao tình làng nghĩa xóm nồng hậu.
oOo
Khi lớn lên, những mùa gặt hái tưng bừng như thế thường thiếu bóng tôi. Lần nào về quê thì cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ, lúa thóc đã phơi khô cất vào kho làm lòng tôi tiếc nuối. Cả nhà cũng không ai nhắn tôi về vì sợ ảnh hưởng tới học hành.
Về nhà được mấy ngày, chiều nào tôi cũng ra sau hè kiếm rổ rau vườn về nấu canh. Trời ngập gió, nhạt nắng, phía góc trời có con diều được cắm ở bờ ruộng, dây diều không dài nhưng có vẻ rất chắc, cánh diều hình thoi no gió màu xanh biếc tựa như đám mây lơ lửng trên nền trời vàng ấm… Tôi cứ nghĩ là có đứa nhỏ nào ra đồng thả rồi bỏ quên lại nên không để ý nữa.
Chiều nay, tôi lại phải trở về trường, đi qua con đường nhỏ ven xóm rợp bóng tre mát rượi. Thoảng đâu đây hương thơm của rơm trong làn khói trắng từ cánh đồng bên cạnh… Nhớ lắm ngày xưa chân trần bước bên ai trên gốc rạ khô ráp tay cầm chặt con diều để không bị bay theo gió… Nhìn lại đằng xa bỗng thấy dáng thằng Mít đội nón lá lụp xụp trên bờ đê cạnh con diều hôm nọ… Khói của đám rạ đang cháy đã lùi lại phía sau lưng nhưng sao đôi mắt tôi bỗng dưng cay xè…